Đánh giá Lý_Khắc_Dụng

Hữu dũng vô mưu

Lý Khắc Dụng tuổi trẻ công cao, bộc lộ bản tính cuồng vọng. Ông đã lựa chọn một chiến lược rất ngu xuẩn là đánh ra bốn mặt, phạm phải đại kị của binh gia. Ông có nhiều địa bàn, nhưng không có cách nào trị lý, củng cố. Vì thế những khu vực thuộc về ông, hay thần phục ông thường hay làm phản.

Lại thêm bộ hạ của ông quân kỷ bại hoại, không được lòng người. Do đó, chiến tranh liên miên, chiến thắng hiển hách, nhưng hiệu quả không lớn. Những chính sách và thủ đoạn lôi kéo đồng minh thì Chu Ôn cao tay hơn hẳn, nên Lý Khắc Dụng dần dần rơi vào thế hạ phong.

Thưởng phạt bất minh

Lý Tồn Hiếu giành lại Lộ Châu, Lý Khắc Dụng không luận công ban thưởng, lại không để Tồn Hiếu nhiệm chức ở đó, khiến cho Tồn Hiếu oán giận. Lại thêm Lý Tồn Tín vốn đố kỵ Tồn Hiếu, luôn tìm cách nói sằng hãm hại, khiến cho Tồn Hiếu không thể an lòng. Lý Tồn Hiếu ngầm liên hệ với Chu Ôn, phản bội Khắc Dụng. Ông cả giận phát binh thảo phạt, cuối cùng Tồn Hiếu tự trói mình ra khỏi thành, đầu hàng nhận tội. Khắc Dụng vốn rất coi trọng Tồn Hiếu là một viên kiêu tướng, đánh trận không khi nào thiếu anh ta, nhưng vì muốn giữ nghiêm quân kỷ, xử Tồn Hiếu bị ngũ xa phân thây. Ông thưởng phạt không công bằng, khiến cho thế lực của mình thì dần suy yếu, thế lực của Chu Ôn thì ngày càng lớn mạnh.

Hữu nhãn vô châu

Lý Khắc Dụng dùng người không có phương pháp, đối với các tướng lĩnh đầu hàng cũng không nhìn rõ năng lực và nhân phẩm của họ, chẳng khác nào mời kẻ thù đến trước cửa nhà. Trong đó có 2 trường hợp nổi bật: Lý Hãn Chi và Lưu Nhân Cung.

Lý Hãn Chi vô lại

Lý Hãn Chi xuất thân vô lại, thiếu thời từng xuất gia, nhưng bản tính xấu xa không đổi, nên không nơi nào chịu nhận, phải đi ăn xin. Về sau ông ta đầu quân cho Hà Dương tiết độ sứ Gia Cát Sảng, nhờ một thân võ dũng hơn người mà làm đến Hà Nam doãn, Đông Đô lưu thủ. Sau sự kiện quán dịch Thượng Nguyên, Lý Khắc Dụng ghé qua Lạc Dương, được Hãn Chi tiếp đãi ân cần. Ông ta bị bộ hạ của Tần Tông Quyền đánh bại, chạy khỏi Lạc Dương, Khắc Dụng không quên ân tình cũ, đưa quân đến giúp Hãn Chi, còn xin triều đình cho ông ta làm Hà Dương tiết độ sứ.

Lý Hãn Chi quen tính vô lại, cướp đoạt tài vật của trăm họ để bổ sung quân nhu, khiến cho khu vực ông ta cai quản, khắp nơi người phải ăn thịt người. Bộ tướng Trương Ngôn của ông ta không chịu nổi, ngầm liên hệ với Chu Ôn, đuổi đánh Hãn Chi. Ông ta chạy đến Tấn Dương, Khắc Dụng để ông ta làm Trạch Châu thứ sử. Đến Trạch Châu, ông ta chẳng thay đổi gì. Khi Lộ Châu thứ sử Tiết Chí Cần mất, ông ta thừa cơ chiếm lấy Lộ Châu, đầu hàng Chu Ôn.

Lưu Nhân Cung bội ân

Lưu Nhân Cung nguyên là bộ hạ của Lư Long tiết độ sứ Lý Khuông Uy ở U Châu, lĩnh binh trấn thủ Úy Châu. Anh em Khuông Uy, Khuông Trù tranh giành chức vị, tình hình U Châu hỗn loạn. Quân Úy Châu oán giận do lâu ngày không được về nhà, đưa Nhân Cung lên làm thủ lĩnh, phát động binh biến. Ông ta tiến về U Châu, đến Cư Dung Quan thì bị đánh bại, chạy đến Tấn Dương, đầu hàng Lý Khắc Dụng. Nhân Cung đem tình hình U Châu nói rõ với Khắc Dụng, nên được hậu thưởng, còn được ban cho đất đai ruộng vườn, rất sủng ái tín nhiệm.

Sau khi Lý Khắc Dụng lấy được U Châu, để Nhân Cung làm Lưu hậu. Vào lúc Khắc Dụng giao chiến Ngụy Châu, mượn quân U Châu, Nhân Cung lấy cớ đề phòng Khiết Đan nên không còn 1 binh 1 tốt nào. Năm sau, Chu Ôn đánh Duyện, Vận, Khắc Dụng lại mượn quân U Châu, liên tiếp phái sứ giả đến thôi thúc. Nhân Cung chẳng những không phát binh, mà còn dùng hậu lễ dụ dỗ tướng lĩnh Hà Đông làm phản. Lý Khắc Dụng tự mình làm tướng, phát binh chinh thảo. Vì ông không để Nhân Cung vào mắt, khinh địch say rượu, nên bị Nhân Cung phản kích đánh bại.